MỐI LIÊN HỆ GIỮA NHÃN HIỆU VÀ CHỈ DẪN ĐỊA LÝ TRONG PHÁP LUẬT VIỆT NAM (P1)

Để có thể tìm hiểu sâu về mối liên hệ giữa nhãn hiệu và chỉ dẫn địa lý, tác giả đã phân tích khái quát về những đặc điểm cơ bản của nhãn hiệu và chỉ dẫn địa lý trong pháp luật Việt Nam cũng như dưới góc độ pháp luật quốc tế. Từ đó, tác giả sẽ nghiên cứu, phân tích và đưa ra đánh giá về mối liên hệ giữa nhãn hiệu và chi dẫn địa lý trong pháp luật Việt Nam.

I.      Những điểm tương đồng và khác biệt giữa nhãn hiệu và chỉ dẫn địa lý

1.  Chức năng của nhãn hiệu và chỉ dẫn địa lý

Một chỉ dẫn địa lí có chức năng phân biệt sản phẩm của vùng này với sản phẩm của vùng khác. Chỉ dẫn địa lí thông tin về nguồn gốc địa lí của sản phẩm và mối quan hệ giữa chất lượng, danh tiếng và các đặc tính khác của hàng hóa với xuất xứ địa lí của nó. Còn nhãn hiệu nói chung được sử dụng để phân biệt sản phẩm của các nhà sản xuất khác nhau (chỉ riêng đối với nhãn hiệu chứng nhận, theo quy định tại khoản 18 Điều 4 Luật sở hữu trí tuệ, có chức năng chứng nhận các đặc tính về xuất xứ, nguyên liệu, vật liệu, cách thức sản xuất… hoặc các đặc tính khác của hàng hóa. Như vậy, nhãn hiệu chứng nhận có chức năng tương tự chỉ dẫn địa lí).

Nhãn hiệu được coi là biểu tượng tinh túy của uy tín thương mại. Thiệt hại do xâm phạm độc quyền đối với nhãn hiệu gây ra là việc tách hàng hóa ra khỏi người sở hữu nhãn hiệu. Do vậy, nguyên tắc ban đầu của luật đăng ký nhãn hiệu là nhãn hiệu phải thể hiện nguồn gốc của hàng hóa và dịch vụ. Việc xâm phạm nhãn hiệu xảy ra khi một người thể hiện sai về nguồn gốc thương mại của hàng hóa. Nguồn gốc được hiểu đây chính là chỉ dẫn thương mại về cá nhân, tổ chức cung cấp dịch vụ/hàng hóa đó. Còn đối với chỉ dẫn địa lý, nguồn gốc được xác định là khu vực địa lý mang chỉ dẫn.

Nhãn hiệu còn có một chức năng khác là quảng cáo và tiếp thị sản phẩm/dịch vụ. Cách thức mà nhãn hiệu thúc đẩy quá trình này là dựa vào khả năng phân biệt và nhận dạng hàng hóa và dịch vụ. Điều này là đặc biệt quan trọng ở các thị trường nơi mà sự gia tăng của các hàng hóa cùng loại cho phép người tiêu dùng nhận dạng hàng hóa của một thương gia cụ thể. Nhãn hiệu là một cách thức cô đọng để chỉ ra sản phẩm. Do chi phí quảng cáo, đặc biệt là qua phương tiện truyền thông điện tử, việc sử dụng đăng ký nhãn hiệu hàng hóa sẽ làm giảm lượng thông tin cần truyền đạt. Chỉ dẫn địa lý cũng có chức năng tương tự như nhãn hiệu. Cụ thể, chỉ dẫn địa lý được xem như công cụ quảng cáo cho danh tiếng, chất lượng hoặc đặc tính chủ yếu mà loại hàng hóa được gắn chỉ dẫn địa lý có được. Tuy nhiên, chỉ dẫn địa lý khác biệt với nhãn hiệu ở chỗ, nhãn hiệu thực hiện chức năng quảng cáo/tiếp thị cho một cá nhân, tổ chức hoặc một tập thể nhất định, còn chỉ dẫn địa lý lại thực hiện chức năng này cho một nhóm các cá nhân/tổ chức được quyền sử dụng chỉ dẫn địa lý trong khu vực có chỉ dẫn địa lý đó.

Do người tiêu dùng nhận biết loại hàng hóa đa phần là thông qua nhãn hiệu, nên đã tạo ra động lực cho các nhà sản xuất và phân phối phải đáp ứng nguyện vọng chính đáng của người tiêu dùng về chất lượng sản phẩm. Do đó, việc sử dụng đăng ký nhãn hiệu hàng hóa có khuynh hướng khuyến khích sử dụng đăng ký nhãn hiệu duy trì chất lượng ổn định cho hàng hóa và dịch vụ được chào bán dưới nhãn hiệu của họ. Điều này được nhấn mạnh bởi yêu cầu của pháp luật đối với việc kiểm soát chất lượng trong các hợp đồng chuyển quyền sử dụng đăng ký nhãn hiệu hàng hóa. Giá trị cố hữu trong việc giành được sự trung thành của người tiêu dùng đối với một nhãn hiệu cụ thể thông qua việc duy trì chất lượng ổn định của sản phẩm, được xem như là “danh tiếng” đi kèm với nhãn hiệu. Đối với chỉ dẫn địa lý, chức năng đảm bảo được thể hiện qua chất lượng, đặc tính của sản phẩm mang chỉ dẫn địa lý đó. Chất lượng/đặc tính của sản phẩm được xác định bằng một hoặc một số chỉ tiêu định tính, định lượng hoặc cảm quan về vật lý, hóa học, vi sinh và các chỉ tiêu đó phải có khả năng kiểm tra được bằng phương tiện kỹ thuật hoặc chuyên gia với phương pháp kiểm tra phù hợp.

2.  Về điều kiện bảo hộ và căn cứ xác lập quyền

            Điều kiện bảo hộ đối với nhãn hiệu và chỉ dẫn địa lý đã được nêu và phân tích tại Chương 1. Tác giả chỉ phân tích những điểm giống nhau và khác nhau cơ bản và mối liên hệ giữa nhãn hiệu và chỉ dẫn địa lý về điều kiện bảo hộ và căn cứ xác lập quyền.

Chỉ dẫn địa lí bắt buộc phải là những dấu hiệu thông tin về nguồn gốc địa lí của sản phẩm còn nhãn hiệu phải là những dấu hiệu có khả năng phân biệt. Những dấu hiệu chỉ nguồn gốc địa lí của hàng hóa thường bị coi là không có khả năng phân biệt và vì vậy khó có thể đáp ứng điều kiện để được bảo hộ là nhãn hiệu. Thực tế trên thế giới và ở Việt Nam, có nhiều dấu hiệu chỉ nguồn gốc địa lí được bảo hộ như là một nhãn hiệu. Những xung đột pháp lí trong việc bảo hộ chỉ dẫn địa lí và nhãn hiệu tất yếu phải xảy ra khi một chỉ dẫn địa lí lại trùng hoặc tương tự với một nhãn hiệu mà những dấu hiệu này được sử dụng cho những hàng hóa trùng, tương tự hoặc có liên quan đến nhau.

Nhãn hiệu muốn được bảo hộ phải là dấu hiệu nhìn thấy được dưới dạng chữ cái, từ ngữ, hình vẽ, hình ảnh, kể cả hình ba chiều hoặc sự kết hợp các yếu tố đó, được thể hiện bằng một hoặc nhiều mầu sắc; và Có khả năng phân biệt hàng hóa, dịch vụ của chủ sở hữu đăng ký nhãn hiệu hàng hóa, dịch vụ của chủ thể khác. Trong khi đối với chỉ dẫn địa lý, dấu hiệu được bảo hộ phải gắn liền với khu vực, vùng lãnh thổ xác định trên bản đồ địa lý chứ không có điều kiện về hình thức thể hiện (gồm hình ảnh, màu sắc, cách thể hiện, bố trí…). Một chỉ dẫn địa lý được bảo hộ theo pháp luật chỉ bao gồm tên địa danh liên quan đến chỉ dẫn địa lý và loại sản phẩm mang chỉ dẫn địa lý có danh tiếng, chất lượng hoặc đặc tính chủ yếu do điều kiện địa lý của khu vực, địa phương, vùng lãnh thổ hoặc nước tương ứng với chỉ dẫn địa lý đó quyết định. Đồng thời, sản phẩm mang chỉ dẫn địa lý có nguồn gốc địa lý từ khu vực, địa phương, vùng lãnh thổ hoặc nước tương ứng với chỉ dẫn địa lý. Còn đối với nhãn hiệu, nguồn gốc sản phẩm không là điều kiện tiên quyết để quyết định việc đăng ký bảo hộ và sử dụng đăng ký nhãn hiệu hàng hóa của chủ sở hữu (trừ nhãn hiệu tập thể và nhãn hiệu chứng nhận).

Về căn cứ xác lập quyền, cả nhãn hiệu và chỉ dẫn địa lý đều được xác lập quyển sở hữu thông qua việc đăng ký bảo hộ tại cơ quan Nhà nước có thẩm quyền (trừ trường hợp nhãn hiệu nổi tiếng được xác lập quyền trên cơ sở sử dụng trên thực tế). Tuy nhiên, giữa nhãn hiệu và chỉ dẫn địa lý vẫn có sự khác biệt cơ bản về căn cứ xác lập quyền do khác biệt về chủ sở hữu đối tượng. Trong đó, chỉ dẫn địa lý không thể được xác lập quyền sở hữu trên cơ sở chuyển nhượng quyền sở hữu và thừa kế. Bởi quyền sở hữu chỉ dẫn địa lý không thể chuyển giao. Đồng thời, chủ sở hữu chỉ dẫn địa lý là Nhà nước nên không thể phát sinh quan hệ thừa kế quyền sở hữu chỉ dẫn địa lý.

Xem thêm: MỐI LIÊN HỆ GIỮA NHÃN HIỆU TRONG PHÁP LUẬT VIỆT NAM (P2)

3.  Về chủ sở hữu và quyền đăng ký chỉ dẫn địa lý

Chỉ dẫn địa lí là loại tài sản công. Quyền sử dụng đối tượng này thuộc về tập thể những người sản xuất sản phẩm mang chỉ dẫn địa lí tại khu vực địa lí đó. Còn nhãn hiệu là tài sản tư, thuộc sở hữu của một cá nhân, tổ chức nhất định. Riêng đối với nhãn hiệu tập thể, các thành viên của tổ chức tập thể cũng có quyền sử dụng đăng ký nhãn hiệu hàng hóa như một tài sản chung. Chủ sở hữu đối với chỉ dẫn địa lý là Nhà nước, trong khi đối với nhãn hiệu, chủ sở hữu là tổ chức, cá nhân được quyền đăng ký nhãn hiệu.

Trong khi tổ chức, cá nhân được quyền đăng ký nhãn hiệu tự mình dùng quyền lực của chủ sở hữu để đăng ký bảo hộ quyền sở hữu nhãn hiệu thì Nhà nước lại không tự mình thực hiện việc đăng ký chỉ dẫn địa lý. Nhà nước cho phép tổ chức, cá nhân sản xuất sản phẩm mang chỉ dẫn địa lý, tổ chức tập thể đại diện cho các tổ chức, cá nhân đó hoặc cơ quan quản lý hành chính địa phương nơi có chỉ dẫn địa lý thực hiện quyền đăng ký chỉ dẫn địa lý.

4.  Về nội dung bảo hộ và quyền chuyển giao

Dưới góc độ pháp lý, bảo hộ nhãn hiêu/chỉ dẫn địa lý là việc Nhà nước, các cơ quan chức năng và các chủ thể, thông qua hệ thống pháp luật tiến hành các hoạt động liên quan đến việc xác lập, khai thác, quản lý và bảo vệ các chủ thể chống lại các hành vi xâm phạm quyền đối với nhãn hiệu/chỉ dẫn địa lý.

Chủ sở hữu nhãn hiệu, chủ sở hữu chỉ dẫn địa lý, người được trao quyền quản lý chỉ dẫn địa lý và người được cho phép sử dụng địa lý được pháp luật sở hữu trí tuệ bảo vệ nhưng cũng phải chịu các giới hạn chung về quyền sở hữu trí tuệ như sau:

“Điều 7. Giới hạn quyền sở hữu trí tuệ

  1. Chủ thể quyền sở hữu trí tuệ chỉ được thực hiện quyền của mình trong phạm vi và thời hạn bảo hộ theo quy định của Luật này.
  2. Việc thực hiện quyền sở hữu trí tuệ không được xâm phạm lợi ích của Nhà nước, lợi ích công cộng, quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân khác và không được vi phạm các quy định khác của pháp luật có liên quan.
  3. Trong trường hợp nhằm bảo đảm mục tiêu quốc phòng, an ninh, dân sinh và các lợi ích khác của Nhà nước, xã hội quy định tại Luật này, Nhà nước có quyền cấm hoặc hạn chế chủ thể quyền sở hữu trí tuệ thực hiện quyền của mình hoặc buộc chủ thể quyền sở hữu trí tuệ phải cho phép tổ chức, cá nhân khác sử dụng một hoặc một số quyền của mình với những điều kiện phù hợp; việc giới hạn quyền đối với sáng chế thuộc bí mật nhà nước được thực hiện theo quy định của Chính phủ.

Trang tin tức luật quốc tế bạn có thể tham khảo: http://vietnamlawmagazine.vn

HÃY LIÊN HỆ ĐỂ CHÚNG TÔI ĐƯỢC TƯ VẤN CHO BẠN

CÔNG TY LUẬT HỢP DANH HCM

Địa chỉ:       15 Nguyễn Văn Thủ, P.Đa Kao, Quận 1, TP.HCM

Điện thoại:  0839100102                                 Hotline: 0916771088

Website    http://hcmlawfirm.vn/                           Email: info@hcmlawfirm.vn