HƯỚNG DẪN THỦ TỤC ĐĂNG KÝ VAY, TRẢ NỢ NƯỚC NGOÀI
Ngân hàng Nhà nước Việt Nam đã ban hành Thông tư số 03/2016/TT-NHNN hướng dẫn một số nội dung về quản lý ngoại hối đối với việc vay, trả nợ vay nước ngoài của doanh nghiệp (“Thông tư 03”) và Thông tư 05/2016/TT-NHNN sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư 03. Theo đó, hai Thông tư này quy định cụ thể về điều kiện, thủ tục đăng ký, đăng ký thay đổi khoản vay nước ngoài của doanh nghiệp không được Chính phủ bảo lãnh (“Khoản Vay Nước Ngoài”); việc mở và sử dụng tài khoản vay, trả nợ nước ngoài tại tổ chức tín dụng được phép tại Việt Nam; việc rút vốn, trả nợ, chuyển tiền và chế độ báo cáo định kỳ … liên quan đến thực hiện các Khoản Vay Nước Ngoài.
HCM Law Firm tóm tắt một số nội dung cơ bản của 02 Thông tư nói trên, đồng thời hướng thêm một số nội dung mà chúng tôi có được trong quá trình cung ứng dịch vụ để khách hàng có thể hiểu rõ và chuẩn bị hồ sơ một cách đầy đủ cho quá trình thực hiện thủ tục
1. Các căn cứ pháp lý
– Luật Ngân hàng Nhà nước Việt Nam số 46/2010/QH12 ngày 16 tháng 6 năm 2010;
– Pháp lệnh Ngoại hối số 28/2005/PL-UBTVQH11 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội ngày 13 tháng 12 năm 2005 và Pháp lệnh số 06/2013/PL-UBTVQH13 ngày 18 tháng 3 năm 2013 sửa đổi, bổ sung một số Điều của Pháp lệnh Ngoại hối;
– Nghị định số 219/2013/NĐ-CP ngày 26 tháng 12 năm 2013 của Chính phủ về quản lý vay, trả nợ nước ngoài của doanh nghiệp không được Chính phủ bảo lãnh;
– Thông tư số 03/2016/TT-NHNN ngày 26 tháng 02 năm 2016 của Thống đốc Ngân hàng Nhà nước hướng dẫn một số nội dung về quản lý ngoại hối đối với việc vay, trả nợ nước ngoài của doanh nghiệp;
– Thông tư số 05/2016/TT-NHNN ngày 15 tháng 4 năm 2016 của Thống đốc Ngân hàng Nhà nước sửa đổi Thông tư số 03/2016/TT-NHNN ngày 26 tháng 02 năm 2016 hướng dẫn một số nội dung về quản lý ngoại hối đối với việc vay, trả nợ nước ngoài của doanh nghiệp.
2. Khoản vay phải thực hiện việc đăng ký
– Thỏa thuận vay với với Người không cư trú phải có hiệu lực rút vốn làm phát sinh nghĩa vụ trả nợ của bên vay ;
– Khoản vay trung hạn (là khoản vay có thời hạn từ 12 tháng đến dưới 36 tháng tính từ ngày rút vốn đầu tiên đến ngày dự kiến trả nợ cuối cùng trên cơ sở quy định tại thỏa thuận vay).
– Khoản vay dài hạn (là khoản vay có thời hạn từ 36 tháng tính từ ngày rút vốn đầu tiên đến ngày dự kiến trả nợ cuối cùng trên cơ sở quy định tại thỏa thuận vay)
– Khoản vay ngắn hạn (là khoản vay có thời hạn dưới 12 tháng tính từ ngày rút vốn đầu tiên đến ngày dự kiến trả nợ cuối cùng trên cơ sở quy định tại thỏa thuận vay) được gia hạn mà tổng thời hạn của Khoản vay là trên 01 (một) năm (trên 365 ngày).
– Khoản vay ngắn hạn không có hợp đồng gia hạn nhưng còn dư nợ gốc tại thời điểm tròn 01 (một) năm kể từ ngày rút vốn đầu tiên, trừ trường hợp Bên đi vay hoàn thành việc trả nợ Khoản vay trong thời gian 10 (mười) ngày kể từ thời điểm tròn 01 (một) năm kể từ ngày rút vốn đầu tiên.
Lưu ý: Bên đi vay không được vay ngắn hạn cho các mục đích sử dụng vốn trung, dài hạn
3. Tổng dư nợ được phép vay
– Tổng dư nợ vay trung, dài hạn tối đa = Tổng vốn đầu tư – Vốn điều lệ.
Hoặc:
– Tổng dư nợ vay trung, dài hạn tối đa = Tổng nhu cầu vốn vay tại phương án sản xuất kinh doanh, dự án tư vấn đầu tư đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt.
(Tổng dư nợ vay trung, dài hạn trong các trường hợp này bao gồm cả dư nợ vay trong nước)
– Đồng tiền đi vay: Ngoại tệ, chỉ được vay nước ngoài bằng đồng Việt Nam trong các trường hợp sau:
+ Bên đi vay là tổ chức tài chính vi mô;
+ Bên đi vay là doanh nghiệp có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài vay từ nguồn lợi nhuận được chia bằng đồng Việt Nam từ hoạt động đầu tư trực tiếp của Bên cho vay là nhà đầu tư nước ngoài góp vốn tại Bên đi vay;
+ Các trường hợp khác khi được Thống đốc Ngân hàng Nhà nước xem xét, chấp thuận căn cứ vào tình hình thực tế và tính chất cần thiết của từng trường hợp.
4. Mở và sử dụng tài khoản vay, trả nợ nước ngoài
– Bên đi vay là doanh nghiệp có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài:
+ Sử dụng Tài khoản vốn đầu tư trực tiếp đối với các khoản vay trung, dài hạn nước ngoài.
+ Sử dụng Tài khoản vốn đầu tư trực tiếp hoặc Tìa khoản vay, trả nợ nước ngoài khác (không phải là Tài khoản vốn đầu tư trực tiếp). Mỗi khoản vay ngắn hạn nước ngoài chỉ được thực hiện thông qua 01 (một) ngân hàng cung ứng dịch vụ tài khoản. Bên đi vay có thể dùng 01 (một) tài khoản cho nhiều Khoản Vay Ngắn hạn Nước Ngoài
– Bên đi vay không phải là doanh nghiệp có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài:
Phải mở tài khoản vay, trả nợ nước ngoài tại ngân hàng cung ứng dịch vụ tài khoản để thực hiện các giao dịch chuyển tiền liên quan đến Khoản Vay Nước Ngoài (rút vốn, trả nợ gốc, nợ lãi). Mỗi Khoản Vay Nước Ngoài chỉ được thực hiện qua 01 (một) ngân hàng cung ứng dịch vụ tài khoản, và bên đi vay có thể dùng 01 (một) tài khoản cho nhiều Khoản Vay Nước Ngoài
5. Hồ sơ đăng ký khoản vay
– Đơn đăng ký Khoản vay theo quy định tại Khoản 1 Điều 13 Thông tư 03/2016/TT-NHNN;
– Bản sao (có xác nhận của Bên đi vay) Hồ sơ pháp lý của Bên đi vay gồm: Giấy phép thành lập, Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh, Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp, Giấy chứng nhận đầu tư hoặc tài liệu tương đương khác, Giấy đăng ký Hợp tác xã, Liên hiệp Hợp tác xã theo quy định của pháp luật và các văn bản sửa đổi, bổ sung (nếu có).
– Bản sao (có xác nhận của Bên đi vay) hoặc bản chính văn bản chứng minh mục đích vay bao gồm:
+ Đối với Khoản vay quy định tại trung và dài hạn:
(i) Phương án sản xuất, kinh doanh, dự án đầu tư sử dụng vốn vay nước ngoài được cấp có thẩm quyền phê duyệt theo quy định của Luật đầu tư, Luật doanh nghiệp và Điều lệ doanh nghiệp, Luật Hợp tác xã và Điều lệ Hợp tác xã và các văn bản quy phạm pháp luật khác có liên quan đối với Khoản vay để thực hiện phương án sản xuất, kinh doanh, dự án đầu tư, trừ trường hợp dự án đầu tư đã được cơ quan có thẩm quyền cấp giấy chứng nhận đầu tư xác định rõ quy mô vốn đăng kí đầu tư;
(ii) Phương án cơ cấu lại các Khoản nợ nước ngoài của Bên đi vay được cấp có thẩm quyền phê duyệt theo quy định của Luật doanh nghiệp và Điều lệ doanh nghiệp, Luật Hợp tác xã và Điều lệ Hợp tác xã và các văn bản quy phạm pháp luật khác có liên quan đối với Khoản vay để cơ cấu lại các Khoản nợ nước ngoài của Bên đi vay;
+ Đối với Khoản vay ngắn hạn được gia hạn hơn 01 năm hoặc khoản vay ngắn hạn có dư nợ gốc kéo dài quá 01 năm:
Báo cáo việc sử dụng Khoản vay nước ngoài ngắn hạn ban đầu đáp ứng quy định về Điều kiện vay nước ngoài ngắn hạn (kèm theo các tài liệu chứng minh) và phương án trả nợ đối với Khoản vay nước ngoài đề nghị Ngân hàng Nhà nước xác nhận đăng ký kinh doanh có vốn đầu tư nước ngoài.
– Bản sao và bản dịch tiếng Việt (có xác nhận của Bên đi vay) thỏa thuận vay nước ngoài và thỏa thuận gia hạn Khoản vay ngắn hạn thành trung, dài hạn (nếu có); hoặc văn bản rút vốn kèm theo thỏa thuận khung.
– Bản sao và bản dịch tiếng Việt (có xác nhận của Bên đi vay) văn bản cam kết bảo lãnh (thư bảo lãnh, hợp đồng bảo lãnh hoặc hình thức cam kết bảo lãnh khác) trong trường hợp Khoản vay được bảo lãnh.
– Xác nhận của ngân hàng cung ứng dịch vụ tài khoản về:
+ Thông tin về tài khoản dùng để thực hiện vay, trả nợ nước ngoài.
+ Văn bản về tình hình rút vốn, trả nợ vay;
+ Giấy báo có, báo nợ
+ Văn bản xác nhận các giao dịch thu, chi liên quan đến việc hình thành Khoản vay;
– Văn bản, chứng từ chứng minh lợi nhuận được chia hợp pháp bằng đồng Việt Nam từ hoạt động đầu tư trực tiếp của Bên cho vay là nhà đầu tư nước ngoài góp vốn tại Bên đi vay và xác nhận của ngân hàng cung ứng dịch vụ tài khoản về tình hình chia và chuyển lợi nhuận về nước của Bên cho vay nhằm chứng minh việc giải ngân Khoản vay đối với trường hợp vay nước ngoài bằng đồng Việt Nam theo quy định hiện hành về Điều kiện vay nước ngoài bằng đồng Việt Nam
– Văn bản giải trình về nhu cầu vay nước ngoài bằng đồng Việt Nam đối với trường hợp vay nước ngoài bằng đồng Việt Nam phải được Thống đốc Ngân hàng Nhà nước cho phép theo quy định hiện hành của Ngân hàng Nhà nước về Điều kiện vay nước ngoài bằng đồng Việt Nam.
– Báo cáo tài chính, Bảng cân đối kế toán (tính lũy kế) của tháng liền kề tháng nộp đơn.
tin tức : Những trường hợp nhãn hiệu không có khả năng phân biệt
6. Thời hạn phải đăng ký, nộp hồ sơ
Bên đi vay phải nộp hồ sơ trong thời hạn 30 (ba mươi) ngày kể từ:
– Ngày ký thỏa thuận vay nước ngoài trung, dài hạn hoặc ngày ký văn bản bảo lãnh trong trường hợp Khoản vay có bảo lãnh hoặc ngày ký thỏa thuận rút vốn bằng văn bản trong trường hợp các bên thỏa thuận việc rút vốn trên cơ sở thỏa thuận khung đã ký và trước khi thực hiện rút vốn;
– Ngày ký thỏa thuận gia hạn Khoản vay nước ngoài ngắn hạn thành trung, dài hạn đối với Khoản vay ngắn hạn được gia hạn mà tổng thời hạn của Khoản vay là trên 01 (một) năm.
– Ngày tròn 01 (một) năm kể từ ngày rút vốn đầu tiên đối với Khoản vay ngắn hạn không có hợp đồng gia hạn nhưng còn dư nợ gốc tại thời Điểm tròn 01 (một) năm kể từ ngày rút vốn đầu tiên.
Doanh nghiệp có thể đăng ký kinh doanh có vốn đầu tư nước ngoài thực hiện thủ tục trực tuyến tại website của Ngân hàng nhà nước Việt Nam tại địa chỉ
https://www.qlnh-sbv.cic.org.vn/ hoặc: https://www.sbv.gov.vn/
Thời hạn giải quyết:
– Trực tuyến: 12 (mười hai) ngày làm việc kể từ ngày nhận được hồ sơ đầy đủ, hợp lệ.
– Trực tiếp hoặc Bưu điện: 15 (mười lăm) ngày làm việc kể từ ngày nhận được hồ sơ đầy đủ, hợp lệ
– Vay bằng đồng Việt Nam: 45 (bốn mươi lăm) ngày làm việc kể từ ngày nhận được hồ sơ đầy đủ, hợp lệ đối với trường hợp Khoản vay bằng đồng Việt Nam phải được Thống đốc Ngân hàng Nhà nước xem xét, chấp thuận theo quy định pháp luật hiện hành về Điều kiện vay nước ngoài.