NHỮNG TRƯỜNG HỢP ĐĂNG KÍ NHÃN HIỆU KHÔNG CÓ KHẢ NĂNG PHÂN BIỆT (Kỳ 1)

Quyền sở hữu trí tuệ về nhãn hiệu ở Việt Nam và trên thế giới đều được xác lập trên cơ sở đăng ký (trừ nhãn hiệu nổi tiếng). Nghĩa là, một chủ thể muốn được bảo hộ nhãn hiệu của mình phải thực hiện thủ tục đăng ký. Tuy nhiên, không phải mọi nhãn hiệu được đăng ký đều được cơ quan có thẩm quyền cấp văn bằng bảo hộ. Ví dụ: trường hợp Công ty TNHH Thế giới Yến sào Hoàng Nhi đã nộp đơn đăng ký nhãn hiệu “RƯỢU NGOẠI VIP” như hình bên dưới:

hinh-1

Dễ dàng nhận thấy, nhãn hiệu trên không có khả năng phân biệt vì “rượu” là tên chung của loại hàng hóa, “ngoại” là yếu tố chỉ nguồn gốc hàng hóa, “vip” là dấu hiệu mô tả hàng hóa. Đồng thời, việc thể hiện nhãn hiệu bằng phông chữ bình thường, không có các yếu tố cách điệu tạo thành đặc trưng dễ nhận biết, phân biệt. Nếu Cục sở hữu trí tuệ chấp thuận cấp văn bằng cho nhãn hiệu “RƯỢU NGOẠI VIP” cho Công ty TNHH Thế giới Yến Sào Hoàng Nhi thì các chủ thể kinh doanh trong cùng ngành nghề sản xuất, phân phối “rượu ngoại” không thể sử dụng các thành phần trong nhãn hiệu này để sử dụng trên hàng hóa của mình. Như vậy, việc bảo hộ này quá rộng và hoàn toàn không công bằng cho các chủ thể kinh doanh trong cùng lĩnh vực. Vì thế, nhãn hiệu này đã bị Cục Sở hữu trí tuệ ra Quyết định từ chối cấp văn bằng bảo hộ.

Do đó, nhằm đảm bảo được lợi ích hài hòa và công bằng giữa các chủ sở hữu nhãn hiệu với nhau và khuyến khích hoạt động sáng tạo, khai thác giá trị tài sản trí tuệ từ nhãn hiệu, Luật sở hữu trí tuệ đã quy định rất rõ những trường hợp nhãn hiệu bị xem là không có khả năng phân biệt để các chủ thể muốn đăng ký nhãn hiệu có thể tự mình kiểm tra khả năng bảo hộ nhãn hiệu, tiết kiệm thời gian, công sức và tạo ra khung pháp lý để các chủ thể áp dụng nhằm bảo vệ quyền lợi khi nhãn hiệu của mình bị xâm phạm.

HCM Law Firm sẽ phân tích chuyên sâu về những trường hợp nhãn hiệu hàng hóa bị xem là không có khả năng phân biệt để các chủ thể có thể tìm hiểu và tự đánh giá khả năng phân biệt khi muốn đăng ký một nhãn hiệu tại Cục sở hữu trí tuệ.

Điều 74 Luật sở hữu trí tuệ quy định về 13 trường hợp nhãn hiệu bị coi là không có khả năng phân biệt. Trong kỳ này, HCM Law Firm sẽ phân tích 3 trường hợp đầu tiên, đây cũng là trường hợp đa số các nhãn hiệu thường bị từ chối cấp văn bằng bảo hộ.

(1) Nhãn hiệu gồm: Hình và hình hình học đơn giản, chữ số, chữ cái, chữ thuộc các ngôn ngữ không thông dụng, trừ trường hợp các dấu hiệu này đã được sử dụng và thừa nhận rộng rãi với danh nghĩa một nhãn hiệu:

hinh-2

Nhãn hiệu “One Two Three 123” của Doanh nghiệp tư nhân Thương mại – Dịch vụ Nhiên Mỹ đăng ký. Nhãn hiệu này đã bị Cục Sở hữu trí tuệ ra quyết định từ chối cấp văn bằng bảo hộ vì chỉ là dạng chữ số đơn giản.

hinh-3

Nhãn hiệu bia “333 Premium” của Công ty cổ phần bia – rượu – nước giải khát Sài Gòn được Cục SHTT cấp văn bằng bảo hộ trên cơ sở đã được sử dụng và thừa nhận rộng rãi dưới danh nghĩa một nhãn hiệu.

tin tức : Thuế môn bài kể từ ngày 01 tháng 01 năm 2017

hinh-4hinh-5hinh-6

Các nhãn hiệu bên đều bị từ chối cấp văn bằng bảo hộ do thuộc trường hợp chữ số đơn giản, không có khả năng phân biệt. Đồng thời, nhãn hiệu “333 on board a cclebration” còn tương tự về lĩnh vực kinh doanh với nhãn hiệu “333” được bảo hộ của Công ty cổ phần bia – rượu – nước giải khát Sài Gòn.

Dưới đây là Nhãn hiệu “X White” cho sản phẩm mỹ phẩm của Công ty TNHH Thương mại M.P Nhất Thành.

hinh-7

Ta có thể thấy X là dạng chữ cái đơn giản, cách thức thể hiện không độc đáo, gây được ấn tượng về khả năng phân biệt. Ngoài ra, chữ “White” là một từ mô tả, thể hiện đặc tính/công dụng sản phẩm liên quan đến sản phẩm là mỹ phẩm. Do đó, nhãn hiệu trên không có khả năng phân biệt và đã bị Cục SHTT ra quyết định từ chối cấp văn bằng bảo hộ.

(2) Đăng kí Nhãn hiệu hàng hóa gồm: Dấu hiệu, biểu tượng quy ước, hình vẽ hoặc tên gọi thông thường của hàng hoá, dịch vụ bằng bất kỳ ngôn ngữ nào đã được sử dụng rộng rãi, thường xuyên, nhiều người biết đến.

Trường hợp này nghĩa là nhãn hiệu đăng ký mang các dấu hiệu là biểu tượng quy ước, hình vẽ hoặc tên gọi của hàng hóa dịch vụ bằng các ngôn ngữ đã được sử dụng rộng rãi thường xuyên, nhiều người biết đến. Ví dụ: không thể đăng ký nhãn hiệu chỉ bao gồm hình cái bánh xe cho dòng sản phẩm săm, lốp xe; hay đăng ký nhãn hiệu chỉ bao gồm tên “bánh kẹo”, “trái cây”, “xe máy”, “bút máy”,… cho các sản phẩm/dịch vụ vì đây là tên gọi thông thường của hàng hóa. Ngoài ra, việc sử dụng tên tiếng Anh hay các loại ngôn ngữ thông dụng khác, nhiều người biết đến cho việc đăng ký bảo hộ cũng không thể được bảo hộ, trong đó, tên tiếng Anh của một loại sản phẩm/dịch vụ chắc chắn không thể được bảo hộ vì tiếng Anh là ngôn ngữ được xem là thông dụng tại Việt Nam.

hinh-8

Nhãn hiệu “Golden Pen Bút Vàng” của Cơ sở Bút Vàng. Nhãn hiệu gồm hình vẽ “đầu bút máy”, chữ “golden pen” và “Bút Vàng”, cả ba dấu hiệu này đều không được bảo hộ vì là hình vẽ và tên gọi thông thường của hàng hóa, không có khả năng phân biệt.

(3) Nhãn hiệu hàng hoá gồm: Dấu hiệu chỉ thời gian, địa điểm, phương pháp sản xuất, chủng loại, số lượng, chất lượng, tính chất, thành phần, công dụng, giá trị hoặc các đặc tính khác mang tính mô tả hàng hoá, dịch vụ, trừ trường hợp dấu hiệu đó đã đạt được khả năng phân biệt thông qua quá trình sử dụng trước thời điểm nộp đơn đăng ký nhãn hiệu

Những dấu hiệu trên đây có thể là: cơm tấm đêm, cà phê trưa,… (thời gian); bánh mì Hà Nội, cơm tấm Sài Gòn, phở Hồ Gươm,… (địa điểm); ép, đúc, thủ công, đan, may,… (phương pháp sản xuất); bút, dao cạo râu, bật lửa, nước hoa,… (chủng loại hàng hóa); đôi, cặp, chiếc, bộ,…(số lượng); tương tự đối với các yếu tố còn lại. Đây là những dấu hiệu chung mô tả cho loại hàng hóa/dịch vụ, cho nên, không có khả năng phân biệt giữa các chủ thể cùng kinh doanh loại hàng hóa/dịch vụ đó với nhau.

hinh-9

Nhãn hiệu từ chối cấp văn bằng bảo hộ vì vừa có dấu hiệu chỉ tên gọi sản phẩm vừa có dấu hiệu chỉ đặc tính sản phẩm, không có khả năng phân biệt.

hinh-10

Nhãn hiệu “Ngon Ngon ®” của Công ty CP phát triển công nghệ Nông Thôn cho sản phẩm “Thịt, cá, gia cầm và thú săn” bị từ chối cấp văn bằng bảo hộ vì có dấu hiệu chỉ đặc tính sản phẩm.

hinh-11

Nhãn hiệu bị từ chối của Công ty TNHH Du lịch Việt Nam vì vừa có dấu hiệu chỉ chủng loại sản phẩm vừa có dấu hiệu chỉ địa điểm sản xuất, phân phối.

wb : http://hcmlawfirm.vn/

Còn tiếp

HCM Law Firm

All right reserved.